Dự án trồng xen cây Khôi Nhung dưới tán rừng lâm nghiệp

Dự án trồng xen cây Khôi Nhung dưới tán rừng lâm nghiệp

Nhóm trưởng: Hà Thị Thúy Chường – sinh ngày 22/10/1984

Địa chỉ: Xã Kiên Thành Huyện Trấn Yên Tỉnh Yên Bái

Chương I

THÔNG TIN CHUNG

1. Cây Khôi nhung và ý tưởng khởi nghiệp

Cây Khôi nhung (Khôi tía) tên khác: Cơm nguội rừng, Động lực, Đơn tướng quân. Tên khoa học có tên gọi là Ardisia silvestris Pitard. Là một loại thực vật có hoa trong họ Anh Thảo được đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mường... khai thác và sử dụng để chữa đau dạ dày từ lâu đời.

            Cây nhỏ, mọc thẳng đứng, cao chừng 2m, thân rỗng xốp, ít phân nhánh. Lá tập trung ở đầu ngọn, mọc so le, phiến lá nguyên, có răng cưa nhỏ và mịn, thon dài 15 - 40 cm, rộng 6 - 12 cm; mặt trên mầu lục sẫm, mịn như nhung, mặt dưới màu tím đỏ, gân nổi hình mạng lưới, hoa mọc thành chùm, màu trắng pha hồng tím, gồm 3 lá đài và 3 cánh hoa. Quả mọng, hình cầu, đường kính 7 - 8mm, có điểm tuyến, 1 hạt, hạt hình cầu, lõm ở gốc. khi chín có màu đỏ.

Là loại cây mọc hoang rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Yên Bái …trong đó có xã Kiên Thành của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Cây khôi nhung được coi là một loại cây dược liệu quý hiếm dùng được chữa các bệnh dạ dày, đau bụng, dân gian còn dùng sắc nước ngậm khi bị viêm họng: Thành phần chính là tanin và glucosid, giúp trung hòa và giảm tăng tiết acid của dạ dày; Khi dịch vị trong dạ dày được ổn định, các chứng ợ nóng, ợ chua cũng giảm dần và hết hẳn, giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu, nhẹ bụng.

Sau khi giúp trung hòa và giảm tiết acid dạ dày, các thành phần trong lá khôi tía tiếp tục phát huy tác dụng giảm co thắt cơ trơn, chống viêm, ức chế vi khuẩn HP, làm se vết loét, làm liền sẹo, kích thích lên da non. Nhờ cơ chế này, lá khôi tía đặc biệt hiệu quả trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, giúp giảm đau và làm lành dạ dày, tá tràng nhanh chóng. Hơn nữa, nếu dùng ở dạng nước sắc, lá khôi tía không chỉ giúp giảm đau, giảm dịch vị xuống mức bình thường mà còn giúp người bệnh ăn ngon và ngủ tốt hơn.           

Chính vì những công dụng từ cây Khôi nhung đem lại, đồng thời căn cứ từ điều kiện thực tiễn của địa phương, nhóm tác giả mong muốn thực hiện mô hình trồng cây Khôi nhung xen lẫn cây lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, về phát triển cây dược liệu cũng được Đảng, nhà nước ta đặc biệt quan tâm. (Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 30/10/2013 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển cây dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030). Phát triển nguồn dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng dược liệu; gắn với bảo tồn và khai thác nguồn dược liệu tự nhiên.

Từ những lý do trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình trồng cây Khôi nhung xen lẫn cây lâm nghiệp vừa phát triển các thế mạnh của địa phương, vừa đem lại giá trị kinh tế góp phần ổn định thu nhập, tạo công việc làm lâu dài cho đoàn viên thanh niên và nhân dân địa phương. Phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

2. Thuận lợi và thách thức

Nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có và phát huy những thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Nhu cầu sử dụng cây dược liệu như quế, hồi, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, khôi nhung... đang có xu hướng gia tăng, giúp người dân đầu tư vào cây dược liệu thu lại lợi nhuận cao.

Với những công dụng của cây Khôi nhung, giá bán trên thị trường hiện nay lá tươi từ 20.000 - 30.000đ/ kg; Lá khô 180.000 - 250.000đ/kg. Mỗi cây thu hái đạt tầm 300 - 500gr lá tươi, với diện tích 1ha sẽ thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng/vụ. Nếu chăm sóc tốt, một năm cây cho thu hoạch lá 2 - 3 lần. Ước tỉnh tổng giá trị 80 triệu đến 120 triệu/năm/ha (Chưa tính đến giá trị của việc nhân giống).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chính vì vậy, ngoài những tiềm năng và thế mạnh về nguồn tài nguyên và thuốc từ dược liệu, Việt Nam có nhiều cơ hội giúp thúc đẩy phát triển ngành dược liệu trong nước. 

Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 92,7% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh.

Như vậy, nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn (khoảng 10%/năm); trong đó, khối bệnh viện y học cổ truyền công lập sử dụng khoảng 300 loại dược liệu khác nhau ở mức khoảng 3.000 tấn mỗi năm. Hiện nay cả nước có khoảng 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau với khoảng 80 loại dược liệu được dùng phổ biến. Cả nước hiện có 1.440 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu sử dụng dược liệu ước tính khoảng 20.000 tấn mỗi năm.

Bên cạnh đó, trên thế giới đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới thay vì chú trọng đến việc tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm với nhiều khó khăn, nhiều độc tính cùng chi phí lớn. Các nhà khoa học dược, các tập đoàn dược phẩm lớn hiện đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn và với chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp hơn so với tổng hợp hóa học. 

Đặc biệt, giá trị kinh tế mang lại từ việc trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa). Cụ thể như: trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm, cây Actiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm; trong khi đó cây lúa chỉ cho thu nhập từ 20-40 triệu đồng /ha/năm. Vì vậy, phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng bền vững, ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng trong cả nước đồng thời, công tác phát triển dược liệu luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, Luật Dược 2016 vừa được Quốc hội thông qua đã đưa ra rất nhiều chính sách lớn, tạo tiền đề quan trọng cho công tác phát triển dược liệu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù cây dược liệu ngày càng có tiềm năng nhưng theo các chuyên gia nông nghiệp, rất cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để thuận lợi đầu ra cho sản phẩm. Mặc khác, việc phát triển cây Khôi nhung nói chung và cây dược liệu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do chưa có thị trường ổn định, có yêu cầu khắt khe về kỹ thuật trồng trọt: từ khâu lựa chọn giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch... đòi hỏi người trồng phải có vốn kiến thức nhất định trong lĩnh vực trồng trọt.

Tuy nhiên, với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của địa phương, đặc biệt là tinh thần tiên phong, xung kích, không ngại khó khăn, gian khổ; dám nghĩ, dám làm, dám thử sức của đoàn viên thanh niên trước những thuận lợi và thách thức khi thực hiện mô hình trồng cây Khôi nhung dưới tán rừng lâm nghiệp ở địa phương.

Chương II

KẾ HOẠCH KINH DOANH

1.    Đầu tư cho dự án

Để có một Kế hoạch kinh doanh phù hợp, hiệu quả với từng sản phẩm thì việc có vốn kiến thức nhất định về các nội dung như: ý tưởng, nguồn nhân lực, sản phẩm, dịch vụ, thị trường, bán hàng, tiếp thị và nguồn vốn là điều cần thiết. Bởi, các yếu tố tác động qua lại lẫn nhau, quyết định đến sự thành - bại của mô hình kinh doanh.

1.1. Cây giống và kỹ thuật

Cây Khôi nhung thích hợp trồng xen dưới tán cây, tận dụng diện tích đất rừng trồng của hộ gia đình, trồng trên đất lúa năng suất thấp, trồng xen các quỹ đất đang trồng cây lâm nghiệp như: Bồ đề, Quế, tre Bát Độ...

Cây khôi nhung có thể nhân giống từ hạt hoặc hom thân. Nếu nhân giống từ hạt nên chọn hạt chín đem gieo ngay sau khi thu hái và ươm trong cát ẩm. Sau khi ươm từ 15 đến 20 ngày hạt bắt đầu nảy mầm. Khi hạt nảy mầm đánh cấy vào trong bầu. Thành phần ruột bầu 1/2 cát + 1/2 sét, tốt nhất dùng đất từ phân giun. Khi ươm bầu cần đặc biệt chú ý phải đặt dưới bóng râm, hàng ngày tưới nước đủ ẩm. Sau 3 tháng cây con có thể xuất vườn.

Chọn phương pháp hom thân thì nên lấy từ cây mẹ, tốt nhất chọn những hom có đường kính từ 1-1,5cm. Cắt từng đoạn hom từ 20-35cm. Cắt đến đâu giâm trên cát ẩm đến đấy. Sau khi hom ra rễ đánh lên cấy vào bầu (giống như hạt). Sau khi hom xong có bầu cây nên đào đất đặt cây ngay ngắn, lấp đất đầy hố, nén chặt, phủ lá cây hoặc cỏ khô kín mặt hố. Chọn đất nơi ẩm, tốt nhất ven các khe suối, độ tàn che cao. Làm đất cục bộ theo hố, kích thước 20cm x 20cm x 20cm. Do đây là cây thuộc dòng dây leo nên cần thiết phải làm giàn đỡ khi cây cao.

Khôi nhung được biết là loại cây thích hợp trồng xen với một số loài cây khác thuộc rừng tán, ưa nơi đất ẩm, ven các khe suối nơi có tầng che cao. Người dân có thể trồng hai vụ trong năm: vụ xuân trồng vào tầm tháng 2 - 4 và vụ Thu tầm tháng 10 - 12. Với mật độ: trồng khoảng 5000 cây/ha. Theo khoảng cách cây cách cây 1m, hàng cách hàng 2m.

Cây trồng tầm 5 - 6 tháng có thể thu hái lứa lá đầu, chọn những lá già, bánh tẻ phía dưới ngọn, hái bằng tay hoặc sử dụng kéo cắt sát cuống lá. Những năm tiếp theo có thể thu hái 2 - 3 lần/năm. Hạt thu hái vào tầm tháng 12 sau khi hạt chín, chọn hạt chín đem gieo ngay sau khi thu hái và ươm trong cát ẩm.  Khi cây mọc tầm 10 cm đánh cây vào trong bầu, đặt dưới bóng râm.

1.2. Nguồn vốn

Xuất phát từ nhu cầu muốn phát triển kinh tế của Đoàn viên thanh niên vươn

lên làm giàu chính đáng và phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương. Nhóm tác giả đề xuất ý tưởng trồng xen cây Khôi nhung dưới tán rừng cây lâm nghiệp. Đồng thời, theo nghiên cứu thị trường đây cũng là loại cây có giá trị kinh tế cao, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Để tiến hành thực hiện mô hình, bước đầu nhóm tác giả cùng đoàn viên thanh niên khai thác nguồn giống sẵn có ngay tại địa phương để nhân giống. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn giống tại địa phương là manh mún, lẻ tẻ và số lượng không nhiều; cách biệt về thời gian gây khó khăn cho việc trồng và chăm sóc cây Khôi nhung.

Bên cạnh nguồn giống tự cung tự cấp tại chỗ thì vấn đề về vốn của mô hình cũng gặp những khó khăn. Nhóm tác giả huy động vốn chủ yếu từ gia đình, bạn bè và người thân, cho kinh phí trong quá trình thực hiện còn rất eo hẹp.

Để dự án được thành công, nhóm tác giả rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, mong muốn được vay vốn giải quyết việc làm (Lãi suất thấp) để mua giống, nhân giống và chi phí trong quá trình thực hiện mô hình.

Nhóm kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Dược phẩm hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm khi dự án thành công, tạo thu nhập cho Đoàn viên thanh niên vươn lên làm giàu ngay tại quê hương.

1.3. Bộ máy nhân sự

Bộ máy nhân sự là một trong những yếu tố quan trọng của một kế hoạch kinh doanh. Trong mô hình phát triển cây dược liệu - cây Khôi nhung thành sản phẩm hành hóa để đáp ứng như cầu thị trường trong và ngoài nước, thì bộ máy nhân sự của mô hình bước đầu gồm:

Một trưởng nhóm: là người quản lý chung, điều hành và chịu trách nhiệm lập kế hoạch, trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm đối với các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện.

Các thành viên trong nhóm: tùy thuộc vào nội dung công việc, mỗi thành viên nhóm sẽ đảm nhận nhiệm vụ, phần việc tương ứng phù hợp với năng lực và trình độ.

Trong tương lai, mô hình được thực hiện hiệu quả thì bộ máy nhân sự sẽ được hoàn chỉnh và kiện toàn đáp ứng khối lượng công việc như: hàng hóa, nhà cung cấp, giao hàng, khách hàng, vận chuyển, tài chính...

1.4. Các chi phí dự kiến

            Theo kế hoạch, bước đầu nhóm tác giả sẽ tiến hành thực hiện mô hình trồng cây Khôi nhung xen dước tán cây lâm nghiệp trên 1 ha, sau đó sẽ tiến hành mở rộng mô hình và tiến hành nhân giống cây tại địa phương.

Bước đầu, nhóm tác giả ước tính chi phí cho 1 ha như sau:

- Giống: 5000 gốc x 15.000/gốc = 75.000.000đ

- Phân bón: Phân hữu cơ: 5000 kg

                     Phân vô cơ: 1000 kg

- Công làm đất: 60 công

1.4. Lập kế hoạch tiếp thị, bán hàng

Đối với bất kỳ một cơ sở, một cá nhân hay tập thể kinh doanh thì truyền thông (marketing) đóng vai trò quan trọng để mô hình được thành công. Doanh nghiệp hay khách hàng sẽ có nhu cầu sử dụng sản phẩm khi họ được thông tin cụ thể, rõ ràng và thấy đó là sản phẩm an toàn, chất lượng.

Với thông điệp: “Phát triển cây dược liệu chất lượng - uy tín”, mô hình trồng cây dược liệu - cây Khôi nhung, nhóm tác giả hứa hẹn sẽ đáp ứng số lượng và chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường không chỉ trong và ngoài nước.

Với công dụng của cây dược liệu nói chung và cây Khôi nhung nói riêng thì nhu cầu của con người ngày càng cao, dần trở nên thiết yếu đối với người tiêu dùng. Sản phẩm phải thực sự phục vụ đời sống của con người và các nhà sản xuất dược liệu.

Phương tiện để truyền thông trước hết nhóm tác giả sử dụng các trang mạng xã hội: facebook, zalo... để giới thiệu sản phẩm. Trong tương lai, nhóm tác giả sẽ thiết lập một trang Website chuyên về sản phẩm cây dược liệu để quản bá sản phẩm.

Khi sản phẩm được bán ra thị trường, chúng tôi sẽ thu thập các dữ liệu khảo sát thị trường, cơ sở dữ liệu của khách hàng. Để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với mô hình.

Tham gia vào các nhóm, cùng ngành hoặc có liên quan đến thị trường cây dược liệu. Đồng thời, phản hồi các câu hỏi trong nhóm, đăng các tin tức về mô hình cũng như sản phẩm từ cây Khôi nhung. Tham gia các điễn đàn liên quan đến thị trường mà nhóm tác giả đang hoạt động, tham gia và các buổi đối thoại để cung cấp các câu trả lời hữu ích và sâu sắc.

Chương III

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Để mô hình đạt được kết quả cao như mong đợi, nhóm có kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Theo trình tự sau:

Bước 1: Nghiên cứu thị trường: Lựa chọn của nhóm là cung cấp nguồn dược liệu cho các cơ sở sản xuất dược phẩm, tiến tới là các công ty Dược. Theo xu hướng gia tăng việc sử dụng thuốc và các sản phẩm về dược liệu trên thế giới hiện nay, cũng tạo ra nhiều cơ hội về đầu ra cho sản phẩm của nhóm.

Bước 2: Lập kế hoạch marketinh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Bước 3: Ký hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lâu dài.

Chương IV

ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU

Với phương châm: cung cấp cây dược liệu chất lượng - uy tín, sản phẩm đảm bảo sạch, không sử dụng các loại thuốc Bảo vệ thực vật. Nhóm tác giả sẽ tiến hành các khâu đăng ký, kiểm định và kế hoạch xây dựng thương hiệu, bảo vệ sở hữu trí tuệ, định vị thương hiệu ....

Chương V

Ý NGHĨA TÁC ĐỘNG XÃ HỘI

            1. Ý nghĩa về kinh tế

            Đây là một nhóm thực hiện mô hình phát triển kinh tế: Nên có ý nghĩa về mặt kinh tế đó là:

Nhân dân xã Kiên Thành chủ yếu trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, tuy nhiên diện tích đất rừng trồng cơ bản đã trồng kín các loại cây lâm nghiệp như Tre Bát độ, Quế, Bồ đề. Những loại cây này cũng cho thu nhập cao; Nhưng thời gian trồng phải từ 5 đến 15 năm mới có thể khai thác, bên cạnh đó mấy năm trở lại đây Cây quế và Bồ đề bị sâu ăn lá, ảnh hưởng đến năng suất.

Cây khôi nhung có thể trồng xen dưới tán rừng lâm nghiệp, thời gian được thu hoạch nhanh, giá trị kinh tế cao. Gia đình có thể tận dụng diện tích đất để trồng.

Tạo việc làm cho lao động và tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

2.    Ý nghĩa xã hội

Khi mô hình được triển khai thì đây cũng là hướng đi mới cho Đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã, tạo môi trường để thu hút, tập hợp Đoàn viên thanh niên vào tổ chức, hạn chế thất nghiệp, giảm được các tai tệ nạn xã hội.

KẾT LUẬN

Xuất phát từ nhu cầu muốn phát triển kinh tế của Đoàn viên thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng và phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương. Mô hình xuất phát từ nhu cầu thiết thực của Đoàn viên thanh niên về phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm và góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Qua phân tích và đánh giá thị trường. Tôi tin chắc rằng mô hình được thực hiện sẽ thành công và đạt hiệu quả cao. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn ban đầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để ý tưởng sớm được triển khai thực hiện. 

Các tin khác:

Dự án: Hello Mù Cang Chải, Yên Bái

Homestay là một loại hình du lịch khách hàng sẽ lưu trú tại nhà dân, địa phương nơi khách đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật nhất. Homestay là loại hình du lịch dành cho những ai đam mê khám phá, trải nghiệm văn hóa, phong tục, tập quán tại những vùng đất mới. Loại hình dịch vụ này là cách quảng bá nét đẹp văn hóa, con người và cảnh quan một cách chân thật nhất. Khi đi du lịch, thay vì thuê phòng tại các khách sạn, resort, … bạn sẽ được ở tại nhà của người dân địa phương, trở thành một thành viên trong gia đình họ, cùng ăn, cùng ở và cùng trải nghiệm cuộc sống tại nơi mà du khách đặt chân đến. Từ đó, có cái nhìn gần gũi và thực tế về đời sống sinh hoạt cũng như văn hóa của vùng đất đó và du khách sẽ được trải nhiệm tất cả phong tục văn hoá, trò chơi dân gian tại nơi du khách đến . Mù Cang Chải là một huyện ít văn hóa tuy nhiên lại hết sức đặc sắc, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều cảnh ruộng bậc thang tuyệt đẹp vương tầng thế giới, có nhiều đồi núi đa dạng. Tôi là một thanh niên trong làng sống từ nhỏ tôi hiểu được phong tục, tập quán, văn hoá bản địa. Năm 2017 tôi đã quyết định mở một homestay dựa vào cộng đồng để phát triểu du lịch tại xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải với nhiều chương trình cho du khách trải nhiệm theo các tour du lịch trong huyện.